Công ty không ký HĐLĐ bằng văn bản bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?

Không ký HĐLĐ bằng văn bản có thể sẽ khiến quyền lợi của người lao động bị mất mát và thiệt thòi. Chính vì vậy Pháp luật đã có những quy định về vấn đề này. Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu cụ thể những quy định ngay sau đây nhé!

Cơ sở pháp lý

– Điều 14 Bộ Luật lao động năm 2019

– Khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP

– Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP

1. Không ký HĐLĐ bằng văn bản có vi phạm?

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Bộ Luật lao động năm 2019 như sau:

“Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”

Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử.

Các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói trong trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 01 tháng trừ những trường hợp sau:

  • Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
  • Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
  • Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

Công ty tuyển người lao động vào làm việc cần chú ý sẽ vi phạm quy định của pháp luật nếu không ký hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ 1 tháng trở lên.

khong-ky-hdld-bang-van-ban

2. Công ty không ký HĐLĐ bằng văn bản bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP :

“Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Ngoài ra, quy định tại Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP về quy định vi phạm hợp đồng lao động như sau:

“Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Cần chú ý, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo quy định mới của Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì phụ thuộc vào số lượng lao động mà công ty vi phạm, NSDLĐ sẽ bị phạt tiền nếu công ty không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên:

  • Từ 2.000.000 đồng đến tối đa 25.000.000 đồng đối với cá nhân.
  • Từ 4.000.000 đồng đến tối đa 50.000.000 đồng đối với tổ chức.

Như vậy, HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản, mức phạt tối đa của tổ chức gấp đôi mức phạt của cá nhân.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *