Nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc? Làm gì khi công ty không trả trợ cấp thôi việc? Cách tính mức hưởng trợ cấp thôi việc mới nhất cho người lao động khi nghỉ việc.
1. Trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động 2019:
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Ngoài ra cũng cần phải lưu ý: Không trả trợ cấp thôi việc cho những trường hợp:
– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định;
– Người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng như nghỉ ốm đau, điều dưỡng, bị tạm giam, tạm giữ,…
Như vậy, Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình.
2. Trường hợp công ty giữ tiền trợ cấp thôi việc của nhân viên không trả
Trường hợp NLĐ đã khiếu nại tới giám đốc của công ty nhưng vẫn không được giải quyết, trường hợp giải quyết tranh chấp lao động cá nhân về trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải cơ sở, do vậy NLĐ có thể lựa chọn gửi đơn yêu cầu giải quyết tới một trong 2 cơ quan sau:
– Phòng Lao động thương binh và xã hội hoặc;
– Gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở.
Trên đây là bài viết của Luật Vitam về trợ cấp thôi việc và giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp công ty giữ tiền trợ cấp thôi việc của nhân viên không trả. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc.