Mục lục
1. Căn cứ pháp lý
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
2. Chế độ thai sản nhân viên
Theo Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Như vậy, lao động nữ khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản theo thời gian mà pháp luật quy định.
3. Chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh là gì?
Chế độ dưỡng sức sau sinh là một phần quan trọng trong chế độ thai sản mà không phải người lao động (NLĐ) nào cũng biết tới. Nhờ chế độ này, lao động nữ có thêm thời gian để phục hồi sức khỏe cũng như chăm sóc con nhỏ.
4. Công ty giải thể thì người lao động có được hưởng chế độ thai sản nhân viên hay không?
Điều kiện về thời gian đóng BHXH trước khi sinh để được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Như vậy, người lao động chỉ cần đóng đủ 6 tháng bảo hiểm xã hội trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản, điều này không liên quan đến công ty giải thể. Nếu chưa được nhận chế độ thai sản trước khi công ty giải thể thì chị có thể tự nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH. Hồ sơ bao gồm giấy chứng sinh và kèm theo sổ BHXH. Quyền lợi của người lao động được pháp luật bảo đảm dù cho công ty đã bị giải thể. Đối với chế độ thai sản thì người lao động chỉ cần đáp ứng đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu theo luật định.
5. Công ty giải thể thì người lao động có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh?
Căn cứ theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được như sau:
“Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.”
Như vậy, thời hạn trong 30 ngày đầu “làm việc” trở lại mà sức khỏe lao động nữ chưa hồi phục sẽ được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. Đồng nghĩa với việc người lao động đã quay trở lại công ty làm việc được công ty xét duyệt số ngày nghỉ phù hợp với tình hình sức khỏe.
Nếu công ty giải thể thì lao động nữ không thể quay trở lại làm việc do đó không đáp ứng điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Do đó, lao động nữ làm việc trong công ty giải thể chỉ được hưởng chế độ thai sản với mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mà không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh vì không thể quay lại làm việc sau khi nghỉ thai sản.
Luật Vitam đã cung cấp cho các bạn những kiến thức pháp lý về chủ đề công ty giải thể có ảnh hưởng gì chế độ thai sản nhân viên. Mọi người hãy tìm hiểu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình!