Mục lục
Công ty có quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ không?
Người lao động làm thêm giờ có cần văn bản yêu cầu hay không? Và cần điều kiện gì để sử dụng NLĐ làm thêm giờ? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây bạn nhé!
1. Cần điều kiện gì để sử dụng NLĐ làm thêm giờ?
– Căn cứ pháp lý:
Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019
– Cụ thể:
Người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
– Phải được sự đồng ý của người lao động;
– Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng;
– Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm thêm không quá 300 giờ/năm nếu làm công việc như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, điện, điện tử, chế biến nông, lâm,…
Theo đó, nếu thỏa mãn đủ các điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp có thể huy động NLĐ để làm thêm giờ.
2. Có cần văn bản đồng ý của NLĐ làm thêm giờ?
– Căn cứ pháp lý:
Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
– Cụ thể:
“Điều 59. Sự đồng ý của NLĐ khi làm thêm giờ
1. Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
a) Thời gian làm thêm;
b) Địa điểm làm thêm;
c) Công việc làm thêm.
2. Trường hợp sự đồng ý của người lao động được ký thành văn bản riêng thì tham khảo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.”
Theo quy định này, có thể thấy việc ghi nhận sự đồng ý làm thêm giờ bằng văn bản là không bắt buộc. Tuy nhiên người sử dụng lao động vẫn phải được sự đồng ý của NLĐ tham gia làm thêm giờ về các nội dung: Thời gian, địa điểm và công việc làm thêm.
3. Ép NLĐlàm thêm giờ, doanh nghiệp bị phạt nặng
Sự đồng ý của NLĐ là một trong những điều kiện bắt buộc cần đáp ứng khi người sử dụng lao động muốn huy động NLĐ làm thêm giờ. Trường hợp cố tình ép buộc NLĐ làm thêm giờ, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 3 Điều 17 Nghị định này quy định:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, mức phạt cho doanh nghiệp có thể lên đến 20 – 25 triệu đồng. Do đó, nếu không muốn bị phạt, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đến điều kiện về sự chấp thuận của người lao động.
Trên đây là giải đáp thắc mắc của Luật Vitam về vấn đề đưa ra. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ độc giả. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.