Công ty có được yêu cầu phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy lao động hay không?

Phạt tiền người lao động vi phạm nội quy có vi phạm quy định của pháp luật không? Nếu công ty có các hành động này thì sẽ bị xử lý ra sao? Luật Vitam sẽ giải đáp thắc mắc của quý độc giả ở bài viết dưới đây.

1. Phạt tiền, trừ lương được hiểu như thế nào?

“Phạt tiền” ở đây được hiểu là công ty buộc người lao động phải nộp khoản tiền nhất định cho công ty do vi phạm nội quy công việc hay nội quy khác của công ty. Hình thức phạt tiền này có thể là người lao động nộp tiền phạt hoặc phía công ty sẽ trừ phạt vào tiền lương của NLĐ.

Còn khái niệm “trừ lương” được hiểu là khi người lao động có những khoản tiền phải trả cho chính công ty và công ty trừ khoản tiền phải trả đó vào tiền lương, như: người lao động làm mất mát tài sản của công ty, làm hư hỏng, hay người lao động gây thiệt hại cho công ty nên phải bồi thường.

2. Có được yêu cầu phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy lao động?

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019, khi người lao động vi phạm nội quy lao động thì áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật như sau:

“Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

3. Cách chức.

4. Sa thải.

Ngoài ra, pháp luật quy định rõ các hành vi cầm khi xử lý kỷ luật người lao động. Cụ thể bao gồm:

Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.”

Như vậy, theo quy định trên thì phạt tiền, cắt lương không thuộc các hình thức xử lý kỷ luật mà doanh nghiệp được phép áp dụng mà đó còn là hành vi cấm tuyệt đối.

Lý giải quy định này có thể hiểu dựa trên lý thuyết quyền lợi mà người lao động khi tham gia quan hệ pháp luật lao động quan tâm nhất chính là tiền lương. Việc phạt tiền, trừ lương mặc dù có tính răn đe nhưng ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cuộc sống của người lao động.

Vì vậy, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật lao động khác phù hợp hơn với mức độ vi phạm của người lao động, vừa đủ để răn đe người vi phạm, vừa là bài học cho những người lao động khác không vi phạm.

3. Xử lý vi phạm khi NSDLĐ  phạt tiền người lao động vi phạm nội quy lao động

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động còn bị phạt tiền như sau:

“Điều 18. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động;

d) Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;”

Như vậy, theo quy định trên thì công ty sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu phạt tiền thay cho việc xử lý kỷ luật người lao động. Ngoài ra, công ty còn phải buộc trả lại khoản tiền đã thu cho người lao động.

Trong trường hợp công ty vẫn cố tình kỷ luật trái với các quy định này của pháp luật. Nếu muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NLĐ có thể yêu cầu tổ chức công đoàn cơ sở của công ty hoặc tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp nếu công ty chưa có tổ chức công đoàn giúp can thiệp, lên tiếng và cùng giải quyết. Hoặc là NLĐ có thể gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích để giải quyết tranh chấp. Gửi đơn thông qua các Hòa giải viên lao động; hoặc Hội đồng trọng tài lao động.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Hẹn gặp lại quý độc giả ở bài viết tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *