Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, có những thay đổi nổi bật về xử lý kỷ luật so với BLLĐ năm 2012. Vậy BLLĐ năm 2019 quy định thế nào về xử lý kỷ luật khi người lao động vắng mặt?
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2019
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
1. Kỷ luật lao động là gì?
Theo quy định của BLLĐ năm 2019:
“Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.”
Có thể thấy, khái niệm kỷ luật lao động đã có sự thay đổi so với BLLĐ 2012. Kỷ luật lao động không chỉ do người sử dụng lao động ban hành mà do cả pháp luật quy định.
2. Xử lý kỷ luật khi người lao động vắng mặt được không?
Điểm c Khoản 1 Điều 122 quy định một trong những nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:
“1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
Tại điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về rình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động:
– Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;
– Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;
– Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản này. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động đã thông báo đúng quy định pháp luật nhưng người lao động vằng mặt thì vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật bình thường. Quyết định và thông báo đến người lao động.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!