Trong thời gian gần đây, Luật Vitam đã nhận được rất nhiều thắc mắc xoay quanh những trường hợp không thể đến nhận lương trực tiếp từ công ty thì có được ủy quyền cho người khác nhận lương thay không. Để giải đáp thắc mắc này hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu bài viết dưới nhé!
Mục lục
1. Ủy quyền là gì?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Ủy quyền là cá nhân, tổ chức cho phép cá nhân, tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc cho phép, ủy quyền đó. Việc ủy quyền được xác lập dựa trên ý chí của hai bên: Bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
Ủy quyền được tiến hành thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền. Nội dung ủy quyền gồm phạm vi ủy quyền và trách nhiệm của người được ủy quyền, người ủy quyền.
Như vậy, ủy quyền sẽ là căn cứ để làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện. Đồng thời, ủy quyền cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng hoạt động ủy quyền không tồn tại mãi mãi. Thay vào nó, nó sẽ chấm dứt khi xảy ra sự kiện pháp lý nhất định.
2. Điều kiện ủy quyền nhận lương
Theo Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”
Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung quy định mới về việc ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động không đưa ra quy định về điều kiện cụ thể khi ủy quyền cho người khác nhận lương. Mặc dù vậy, có thể căn cứ theo Khoản 1 Điều 94 Bộ luật này có thể thấy người lao động được phép ủy quyền cho người khác nhận lương trong điều kiện không thể trực tiếp nhận lương và ủy quyền đó phải hợp pháp (bên được ủy quyền phải đủ năng lực hành vi dân sự, có hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền…)
2.1. Không trực tiếp nhận lương được
Bản thân người lao động có thể có nhiều lí do mà không tự mình nhận lương. Ví dụ như ốm đau, tai nạn, thai sản hoặc đang đi công tác ở nước ngoài;…
Pháp luật không bắt buộc người lao động phải chứng minh lý do chính đáng của việc ủy quyền. Tuy nhiên bên ủy quyền phải tự chịu trách nhiệm về việc ủy quyền cho người khác nhận thay. Người sử dụng lao động cũng không có quyền đòi hỏi người lao động phải chứng minh lý do ủy quyền.
=> Người lao động hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác nhận lương vì về nguyên tắc người lao động có thể ủy quyền cho bất kỳ ai nhận thay lương. Kể cả việc trả lương sang tài khoản của người khác. Trường hợp bạn không thể trực tiếp nhận lương thì có thể làm ủy quyền cho một người khác và doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả lương cho bạn qua người được ủy quyền. Chẳng hạn như vợ hoặc chồng; người thân;… hay bất kỳ ai khác mà bạn tin tưởng để nhận lương thay.
2.2. Ủy quyền hợp pháp
Ủy quyền hợp pháp là ủy quyền đảm bảo về nội dung và hình thức ủy quyền. Nội dung ủy quyền không được trái với các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm: bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận;….
Hình thức ủy quyền là bằng văn bản. Hiện nay, ủy quyền thể hiện dưới dạng Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền. Nếu làm giấy ủy quyền thì chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền. Còn đối với hợp đồng ủy quyền cần chữ ký của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Đồng thời việc ủy quyền phải được công chứng, chứng thực.
=> Để ủy quyền hợp pháp cho người khác nhận lương khi bạn không thể trực tiếp nhận bạn phải có giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền hợp pháp. Để thuận tiện bạn nên làm giấy ủy quyền sẽ thuận tiện hơn là làm hợp đồng ủy quyền bởi nội dung ủy quyền đơn giản và chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền là được.
3. Có bắt buộc phải ủy quyền nhận toàn bộ số lương không?
Do luật không quy định ủy quyền nhận toàn bộ hay một phần số lương nên người lao động có thể chỉ ủy quyền cho nhận một phần lương, phần còn lại bản thân họ vẫn trực tiếp nhận.
Quy định như vậy đã tạo điều kiện người lao động có thể dễ dàng thực hiện chi tiền lương cho các mục đích khác nhau. Ví dụ ủy quyền để cho người nhà nhận một phần tiền lương qua chuyển khoản. Khi đó, người lao động không phải mất công và thời gian chuyển lại một lần cho người thân.
Vậy là Luật Vitam đã cung cấp cho các bạn về việc ủy quyền cho người khác nhận lương. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu vấn đề này.