Trong trường hợp người lao động có nhiều sổ bảo hiểm thì có được hủy sổ bảo hiểm cũ được hay không? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu!
Mục lục
1. Sổ bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất, dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội
Sổ bảo hiểm xã hội là loại sổ dùng để ghi chép quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cũng như làm cơ sở để giải quyết các chế độ này cho người lao động.
2. Người lao động xin hủy sổ bảo hiểm xã hội cũ được không?
Nhiều người lao động muốn hủy luôn sổ bảo hiểm xã hội tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm ở công ty cũ do có nhiều sổ bảo hiểm hoặc gặp khó khăn trong thủ tục tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị định hay Thông tư hướng dẫn hiện hành đều chưa có quy định về thủ tục hủy sổ bảo hiểm xã hội cũ.
Tuy nhiên trong Công văn số 3663/BHXH-THU của Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh từng có hướng dẫn về việc hủy sổ bảo hiểm như sau:
5. Trường hợp NLĐ cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của NLĐ có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH Thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của Thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy.
Như vậy, người tham gia chỉ có thể yêu cầu hủy sổ nếu xác minh được là người lao động thực sự không tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian được ghi nhận trong sổ muốn hủy. Còn nếu trước đó, người lao động có đi làm, ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm thì không thể hủy sổ bảo hiểm xã hội mà bắt buộc phải tiến hành thủ tục gộp sổ khi có nhiều sổ.
3. Gộp sổ bảo hiểm xã hội thế nào?
Căn cứ hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 và Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, việc gộp sổ bảo hiểm xã hội như sau:
* Trường hợp người lao động có các sổ BHXH đóng trùng nhau:
– Hồ sơ bao gồm:Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHTN (Mẫu TK1-TS). Các sổ bảo hiểm xã hội.
-Điểm nộp hồ sơ: Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện nơi quản lý hoặc cư trú.
– Thời gian giải quyết hồ sơ: Không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm nhận đủ hồ sơ.
– Kết quả: Người lao động được nhận lại: Sổ bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã đóng trùng, quyết định hoàn trả
* Trường hợp người lao động có các sổ đóng không trùng nhau:
– Hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHTN. Các sổ bảo hiểm xã hội đề nghị gộp
– Điểm nộp hồ sơ: Đơn vị sử dụng lao động nơi mình đang làm việc hoặc Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện trực tiếp thu tiền bảo hiểm xã hội.
– Thời gian giải quyết hồ sơ: Tối đa 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ và tối đa 45 ngày: Trường hợp phải xác minh quá trình đóng bảo hiểm ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị sử dụng lao động nơi người lao động từng làm việc và phải có văn bản thông báo.
– Lệ phí: Không có
– Kết quả: Người lao động sẽ bị thu hồi toàn bộ sổ cũ và được cấp sổ bảo hiểm xã hội mới, trong đó đã gộp đủ quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành hủy mã số các sổ BHXH đã gộp.
Trên đây là những thông tin pháp lý về việc gộp hay hủy sổ bảo hiểm xã hội cũ. Mọi người hãy tìm hiểu để có thể giải quyết sổ bảo hiểm xã hội cũ theo đúng pháp luật và thuận tiện cho bản thân.