Tai nạn lao động là một trong những rủi ro trong quá trình tham gia lao động. Nó xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Đây là sự cố xảy ra ngoài ý muốn, vậy trong trường hợp người lao động phải nghỉ làm do tai nạn lao động thì có được đóng bảo hiểm hay không? Với thắc mắc này, Luật Vitam xin lý giải thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Căn cứ pháp lý
– Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
– Bộ luật lao động 2019
– Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017
2. Tai nạn lao động là gì?
Theo định nghĩa trong Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, “Tai nạn lao động” là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Tai nạn trong lao động trong quá trình thực hiện công vụ liên quan cũng được coi là tai nạn lao động (tai nạn giao thông trên đường đi làm cũng được coi là TNLĐ).
Luật lao động quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm khai báo về tai nạn lao động; các cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ về tai nạn lao động.
3. Những trường hợp được xem là tai nạn lao động theo luật định
Căn cứ theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động mà bị suy giảm lao động từ 05% trở lên do tai nạn trong các trường hợp dưới đây thì được hưởng chế độ tai nạn lao động:
– Thứ nhất, nếu tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc. Trường hợp này áp dụng kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc. Nó bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
– Thứ hai, trường hợp người lao động tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc: Khi thực hiện công việc theo yêu cầu của phía người sử dụng lao động;
– Thứ ba, người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Điều này phụ thuộc theo quyết định của cơ quan điều tra để xác định.
4. Có được đóng bảo hiểm cho thời gian nghỉ làm do tai nạn lao động?
Căn cứ theo Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:
“Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”
Dựa vào căn cứ trên, nếu nghỉ làm và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên, người lao động sẽ không được đóng BHXH.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động:
“Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;”
Như vậy theo các quy định đó, dù phải nghỉ việc để điều trị thương tật do tai nạn lao động, người lao động vẫn được trả đầy đủ tiền lương trong thời gian này. Vì vậy, nếu vẫn được hưởng lương trong quá trình nghỉ việc do tai nạn lao động thì người lao động vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi trong việc đóng BHXH.
Kết luận
Trên đây là tư vấn của Luật Vitam về việc đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ làm do tai nạn lao động. Nếu các bạn còn bất kì vướng mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cụ thể. Luật Vitam luôn mang đến sự hài lòng cho khách hàng.