Mục lục
Có bắt buộc ký hợp đồng lao động văn bản không?
Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là cơ sở để xác lập quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đây là căn cứ quan trọng để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong lao động. Vậy các bên có bắt buộc ký hợp đồng lao động bằng văn bản? Luật Vitam xin giải đáp vấn đề như sau:
1. Hợp đồng lao động là gì? Có mấy loại HĐLĐ?
– Căn cứ pháp lý: Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019
HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động. Bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng dùng tên gọi khác nhằm né tránh nghĩa vụ pháp luật, Điều 13 BLLĐ năm 2019 đã bổ sung thêm quy định, trong trường hợp các bên có thỏa thuận bằng tên gọi khác, thì thỏa thuận đó vẫn coi là HĐLĐ nếu gồm hai nội dung:
– Việc làm có trả công, tiền lương;
– Sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Như vậy theo quy định mới tại Điều 20 Bộ luật này, HĐLĐ chỉ còn 02 loại sau:
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực không quá 36 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực.
2. Có bắt buộc ký hợp đồng lao động bằng văn bản?
Căn cứ Điều 14 BLLĐ năm 2019, hợp đồng lao động có thể tồn tại dưới một trong các hình thức sau:
– Bằng văn bản;
– Hình thức thông điệp dữ liệu thông qua phương tiện điện tử;
– Bằng lời nói.
Trong đó, hợp đồng lao động điện tử đáp ứng yêu cầu của pháp luật về giao dịch điện tử sẽ có giá trị như hợp đồng bằng văn bản.
Còn hợp đồng lao động bằng lời nó chỉ được phép áp dụng cho hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Trừ trường hợp giao kết hợp đồng với người giúp việc, người dưới 15 tuổi. Hoặc nhóm người lao động thông qua người được ủy quyền để làm công việc dưới 12 tháng.
Như vậy, tùy trường hợp mà người lao động và người sử dụng lao động có thể lựa chọn giao kết hợp đồng theo 01 trong 03 cách trên.
Tuy nhiên, theo BLLĐ năm 2019, HĐLĐ bắt buộc phải lập thành văn bản trong các trường hợp sau đây:
– Sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi: Phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó (điểm a khoản 1 Điều145 BLLĐ năm 2019);
– Sử dụng lao động là người giúp việc gia đình (khoản 1 Điều 162 BLLĐ năm 2019);
– Ký hợp đồng với nhóm người lao động làm công việc dưới 12 tháng thông qua một người ủy quyền (khoản 2 Điều 18 BLLĐ năm 2019);
Theo đó, nếu không thuộc 03 trường hợp trên, các bên không bắt buộc phải ký HĐLĐ bằng văn bản.
3. Không ký HĐLĐ bằng văn bản bị phạt bao nhiêu?
Với những trường hợp bắt buộc ký hợp đồng bằng hình thức văn bản, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định. Nếu không tuân thủ, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, người sử dụng lao động có thể bị phạt theo các mức sau:
Hành vi | Mức phạt | Biện pháp khắc phục hậu quả |
Không ký kết hợp đồng bằng văn bản với người giúp việc gia đình | Phạt cảnh cáo (điểm a khoản 1 Điều 29) | Buộc ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình (điểm a khoản 3 Điều 29) |
Không ký hợp đồng bằng văn bản khi sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi | 10 – 15 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 28) |
Trong khi đó, Nghị định 28/2020/NĐ-CP lại không có quy định nào về việc xử phạt đối với hành vi không ký HĐLĐ bằng văn bản với nhóm người lao động làm công việc dưới 12 tháng thông qua 01 người ủy quyền. Do đó, nếu không ký hợp đồng lao động bằng văn bản trong trường hợp này, người sử dụng lao động cũng sẽ không bị phạt.
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc được đưa ra. Nếu có thắc mắc về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp các bạn ở bài viết tiếp theo. Cùng đón đọc nhé!