Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp. Trước tình hình đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP. Nghị quyết nhằm hỗ trợ các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngân sách này được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Vậy nội dung Nghị quyết này có gì thay đổi và người lao động và người sử dụng lao động được hưởng những quyền lợi gì? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu kĩ hơn về các quy định này nhé!
Mục lục
1. Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động
Nghị quyết được xây dựng với thời gian được giảm trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022.
Lưu ý: Chính sách này không áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.
Căn cứ theo các quy định của Nghị quyết 116 này, người sử dụng lao động từ ngày 01/10/2021 sẽ chỉ còn phải đóng tổng 20% vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT.
Trong đó: 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 3% vào quỹ BHYT.
Trường hợp người sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP thì chỉ còn phải đóng tổng 6%. Cụ thể trong đó 3% vào quỹ ốm đau, thải sản và 3% vào quỹ BHYT.
2. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được nhận tiền hỗ trợ
Theo căn cứ tại Nghị quyết này của Chính phủ, những đối tượng người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 sẽ được hưởng tiền hỗ trợ. Theo đó, tiền hỗ trợ này sẽ được trích từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng được nhận
Số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết này sẽ áp dụng với những người lao động thuộc một trong hai trường hợp:
– Trường hợp 1: Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021. Lưu ý: không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên;
– Trường hợp 2: Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời gian từ 01/01/2020 – 30/9/2021, có thời gian đóng được bảo lưu (không bao gồm người đang hưởng lương hưu hàng tháng).
Mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ sẽ dựa trên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:
– Thời gian đóng dưới 12 tháng, mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng 1 người
– Thời gian đóng từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.
– Thời gian từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người.
– Thời gian đóng từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người.
– Thời gian đóng từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người.
– Thời gian đóng từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.
Theo các căn cứ trên, tùy thuộc vào từng mức thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa được nhận trợ cấp để xác định tiền trợ cấp người lao động sẽ được hưởng. Mức hỗ trợ cao nhất là 3,3 triệu đồng sẽ dành cho người đóng bảo hiểm này từ đủ 11 năm mà chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp.
Tổng kinh phí
Theo Nghị quyết này, tổng kinh phí hỗ trợ này là khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Thời gian thực hiện
Nghị quyết được thực hiện từ ngày 01/10/2021, theo đó sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Kết luận
Như vậy, do yếu tố dịch bệnh nên các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cũng đã được thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hỗ trợ người sử dụng lao động. Điển hình nhất là sự ra đời kịp thời của Nghị quyết 116 được ban hành bởi Chính phủ. Hi vọng những sự quan tâm kịp thời này sẽ là nguồn động lực giúp doanh nghiệp, người lao động sớm ổn định và trở lại trạng thái bình thường mới. Nếu quý vị và các bạn còn bất kì vướng mắc nào liên quan tới các vấn đề quy định tại Nghị quyết này, hãy liên hệ với đội ngũ của Luật Vitam để được giải đáp sớm nhất.