Người lao động trong dịch COVID-19 được đào tạo; bồi dưỡng; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Điều này că cứ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Quyết định này quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động; và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bài viết dưới đây sẽ Luật Vitam giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chính sách này.
Cơ sở pháp lý
– Bộ luật lao động năm 2019
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
– Luật việc làm năm 2013
– Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
Mục lục
1. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho Người lao động
1.1 Điều kiện và đối tượng hỗ trợ
a. Đối tượng được hỗ trợ
Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021; đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Theo đó, người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật việc làm đó là: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp; hợp tác xã; hộ gia đình; hộ kinh doanh; tổ hợp tác; tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn; sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
b. Điều kiện để được hỗ trợ
– Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
– Phải thay đổi cơ cấu; công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.
– Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23.
– Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.
1.2. Thời gian hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức chi trả
a. Thời gian hỗ trợ
Thời gian hỗ trợ tối đa là 06 tháng.
b. Mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Và mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Nếu trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng; từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ.
Còn đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.
c. Phương thức chi trả
Chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt.
1.3. Các hồ sơ cần chuẩn bị
a. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và kê khai về doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020 theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23.
b. Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Quyết định 23.
c. Văn bản của người sử dụng lao động về việc thay đổi cơ cấu, công nghệ.
d. Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên. Tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tham gia đào tạo.
1.4. Thủ tục và trình tự thực hiện
a. Đối với người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Quyết định 23. Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
b. Tiếp đó, người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Quyết định 23 gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.
c.Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 04a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23. Quyết định hỗ trợ gửi bản giấy và bản điện tử theo quy định đến: Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chuyển kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động để thực hiện, cơ sở thực hiện việc đào tạo. Trường hợp không hỗ trợ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động.
e. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.
f. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc việc đào tạo. Người sử dụng lao động phải hoàn thành việc thanh quyết toán kinh phí với cơ sở thực hiện việc đào tạo theo thực tế và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện của người sử dụng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thu hồi kinh phí đào tạo còn dư (nếu có) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và người sử dụng lao động để thực hiện hoàn trả kinh phí về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; theo Mẫu số 04b tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23.
2. Chính sách hỗ trợ NSDLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do dịch bệnh covid
2.1. Đối tượng hỗ trợ
Người lao động và người sử dụng lao động thuộc các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2.2. Điều kiện hỗ trợ
Những người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 nhưng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 4 năm 2021. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm:
– Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.
– Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
– Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
– Số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
– Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm tại khoản 1 Điều này chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc; hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp; người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2021.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động. Mọi thắc mắc hãy liên hệ với Luật Vitam. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo!