Hiện nay, trước tình hình hội nhập, việc người nước ngoài tham gia vào thị trường lao động Việt Nam ngày càng tăng. Theo quy định, dù là người Việt Nam hay nước ngoài khi tham gia quan hệ lao động đều sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội. Vậy mức đóng của đối tượng này được quy định như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Vitam nhé!
Mục lục
1. Đối tượng người nước ngoài nào phải tham gia bảo hiểm xã hội?
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội nếu có đủ các điều kiện sau:
– Có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Có hợp đồng lao động không thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Lưu ý: Những người sau đây dù đáp ứng các điều kiện nói trên nhưng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đó là:
– Lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
– Lao động nước ngoài đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định:
+ Nam: Từ đủ 60 tuổi 03 tháng nếu nghỉ hưu trong năm 2021.
+ Nữ: Từ đủ 55 tuổi 04 tháng nếu nghỉ hưu trong năm 2021.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài
Theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP và Nghị quyết 68/ NQ-CP năm 2021, mức đóng bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài được căn cứ trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội người đó tương ứng với các tỷ lệ sau:
– Thời điểm đóng từ 01/12/2018 đến 30/6/2021:
+ Quỹ ốm đau, thai sản: 3%
+ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5% hoặc 0,3%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 0%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 0%
– Thời điểm đóng từ 01/7/2021 đến 31/12/2021
+ Quỹ ốm đau, thai sản: 3%
+ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 0%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 0%
– Thời điểm đóng từ 01/01/2022 đến 30/6/2022
+ Quỹ ốm đau, thai sản: 3%
+ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 14%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 8%
– Thời điểm từ 01/7/2022
+ Quỹ ốm đau, thai sản: 3%
+ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5% hoặc 0,3%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 14%
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: 8%
Trong đó:
– Để chỉ phải đóng 0,3% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải đề nghị được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và có quyết định chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP).
3. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là căn cứ theo Điều 14 Nghị định 143/2018/NĐ-CP. Cụ thể xác định như sau:
* Với lao động nước ngoài thông thường:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định.
* Với lao động nước ngoài là người quản lý doanh nghiệp:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương do doanh nghiệp người đó quản lý quyết định.
Lưu ý: Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người nước ngoài bị giới hạn như sau:
– Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất = Mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Trong đó, mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định như sau:
– Mức lương tối thiểu vùng 4.420.000 đồng/tháng: Vùng I
– Mức lương tối thiểu vùng 3.920.000 đồng/tháng: Vùng II
– Mức lương tối thiểu vùng 3.430.000 đồng/tháng: Vùng III
– Mức lương tối thiếu vùng 3.070.000 đồng/tháng: Vùng IV
– Tiền lương tối đa đóng bảo hiểm xã hội = 20 x Mức lương cơ sở = 29,8 triệu đồng
(Hiện nay mức lương cơ sở áp dụng năm 2021 là 1,49 triệu đồng/tháng)
4. Quyền lợi cho người nước ngoài khi tham gia bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng với lao động nước ngoài như sau:
“1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.”
Từ căn cứ trên có thể thấy lao động nước ngoài tham gia vào thị trường lao động Việt Nam cũng được quy định đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội như lao động Việt Nam.
Từ những quy định Luật Vitam đã liệt kê ở trên thì chế độ hưu trí và tử tuất sẽ được áp dụng từ năm 2022 đối với người lao động nước ngoài. Trong năm 2021, người lao động nước ngoài mới chỉ được giải quyết chế độ ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do doanh nghiệp mới chỉ đóng bảo hiểm cho 03 quỹ này. Khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định của luật, lao động nước ngoài sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ tương ứng.
5. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của Luật Vitam về mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người nước ngoài. Hi vọng đây sẽ là những chia sẻ hữu ích với các doanh nghiệp có lao động nước ngoài và bản thân lao động nước ngoài. Từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của đối tượng này khi tham gia vào lao động tại thị trường Việt Nam.