Chậm lương là một trong những vấn đề được nhiều người lao động quan tâm và không mong muốn. Tuy nhiên, trường hợp người sử dụng lao động chậm trả lương cho nhân viên thực tế xảy ra khá phổ biến. Vậy pháp luật quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp này như thế nào? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lí
– Bộ Luật lao động 2019.
Mục lục
1. Quy định về thời hạn trả lương
Theo các quy định pháp luật hiện hành, người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Nguyên tắc trả lương được pháp luật quy định trong Điều 94 Bộ Luật lao động 2019.
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc trả lương cho người lao động phải đầy đủ và đúng thời hạn.
2. Chậm trả lương nhân viên có phải bồi thường không?
Theo Khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, trong trường hợp NSDLĐ chậm trả lương từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm.
3. Mức phạt khi công ty chậm trả lương
Mức phạt khi công ty chậm trả lương được quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về mức phạt khi công ty chậm trả lương:
Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
4. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi công ty chậm trả lương
Bộ Luật lao động 2019 còn quy định một trong những lí do chính đáng theo quy định của pháp luật mà người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại điểm b, khoản 1 Điều 37 khi:
“Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động”
Vậy là Luật Vitam đã cung cấp cho các bạn những cơ sở pháp lí về vấn đề bồi thường khi trả lương chậm. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu vấn đề này.