Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về công việc; tiền lương; điều kiện làm việc; quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, và các điều kiện liên quan khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho khách hàng về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo pháp luật. Cùng theo dõi với Luật Vitam nhé!
Mục lục
1. Căn cứ pháp lý điều chỉnh việc chấm dứt hợp đồng lao động
Bộ Luật lao động năm 2019
2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.”
Theo quy định của pháp luật lao động có thể hiểu các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm:
a. Hợp đồng lao động chấm dứt do hành vi pháp lý của các chủ thể liên quan (người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước)
HĐLĐ là kết quả thỏa thuận trên cơ sở thống nhất ý chí giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được quy định trong BLLĐ trước hết là các trường hợp do ý chí chung của cả hai bên, như:
– Hết hạn hợp đồng lao động:
Đến khi hết hạn hợp đồng lao động, nếu các bên không có nhu cầu tiếp tục duy trì quan hệ lao động thì có quyền chấm dứt hợp đồng. Còn riêng đối với người lao động là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm. Khi hợp đồng lao động hết hạn mà chưa hết nhiệm kỳ công đoàn thì người lao động này được quyền tiếp tục làm việc cho đến khi hết nhiệm kỳ công đoàn.
– Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động; nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động có thể xuất hiện ở người lao động hoặc người sử dụng lao động. Bên có nhu cầu có quyền đề nghị việc chấm dứt hợp đồng lao động với bất kỳ lý do gì và nếu được bên còn lại chấp nhận thì hợp đồng lao động chấm dứt.
– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động:
Công việc người lao động phải làm cũng là một trong các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động do hai bên thống nhất khi giao kết hợp đồng lao động. Vì vậy, khi công việc theo hợp đồng lao động đã hoàn thành. Cho dù hợp đồng lao động chưa hết hạn thì hợp đồng lao động cũng chấm dứt hiệu lực. Trong trường hợp này áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng với công việc xác định.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
Bên cạnh những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do ý chí chung của hai bên, Nhà nước còn quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do ý chí đơn phương của một bên chủ thể trong quan hệ lao động. Cụ thể như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp; người sử dụng lao động sa thải người lao động theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Lao động.
– Người lao động đủ điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và tuổi đời để hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định của pháp luật.
– Chấm dứt do ý chí của Nhà nước:
Người lao động bị kết án tù giam; tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án; quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Hoặc Người lao động bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; mất tích hoặc là đã chết. Hay Người sử dụng lao động là cá nhân bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
b. Hợp đồng lao động chấm dứt do sự biến pháp lý
Trong trường hợp này chỉ những sự biến pháp lý xảy ra làm cho quan hệ lao động không thể tiếp tục duy trì thì chúng mới trở thành sự kiện pháp lý làm chấm dứt hợp đồng lao động. Hai sự biến pháp lý làm chấm dứt hợp đồng lao động (quan hệ lao động), đó là người lao động chết; và người sử dụng lao động là cá nhân chết.
Người lao động và người sử dụng lao động là hai bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng lao động. Khi chủ thể của hợp đồng không còn tồn tại thì đương nhiên hợp đồng lao động sẽ chấm dứt.
Trên đây là những lời tư vấn của Luật Vitam. Nếu có bất kì vấn đề nào hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Hẹn gặp lại quý khách hàng ở những bài viết sau!