Các loại hợp đồng lao động hiện nay ? Trình tự ký kết hợp đồng lao động ?

Các loại hợp đồng lao động hiện nay? Trình tự ký kết hợp đồng lao động?

Ký kết hợp đồng lao động, căn cứ vào tính chất công việc cũng như điều kiện thực tế của mỗi bên, NLĐ và NSDLĐ sẽ lựa chọn và quyết định loại họp đồng lao động để giao kết. Bài viết của Luật Vitam dưới đây sẽ phân tích và làm rõ các loại hợp đồng lao động theo quy định hiện nay.

1. Khái niệm hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Các loại hợp đồng lao động hiện nay

– Căn cứ pháp lý: Điều 20 Bộ Luật lao động 2019

2.1. Hợp đồng lao động phải được ký kết theo một trong các loại sau đây

a. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b. Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

2.2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau

a. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b. Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

c. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

3. Trình tự ký kết hợp đồng lao động

Trình tự giao kết hợp đồng là quá trình thoả thuận giữa các bên. Trong quá trình này các bên sẽ bàn bạc, trao đổi, thương lượng với nhau để đi kết ký kết hợp đồng. Quá trình này gồm hai bước sau đây:

Bước 1: Đề nghị giao kết hợp đồng

a. Khái niệm:

– Là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên được đề nghị.

b. Một vài lưu ý:

Lưu ý thứ nhất

Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 386 BLDS 2015

Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời đề nghị đó, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thức ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh .

Lưu ý thứ hai

Căn cứ pháp lý: Điều 388 BLDS 2015

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

a. Do bên đề nghị ấn định, với quy định này thì bên đưa ra đề nghị được quyền chủ động ấn định thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng.

b. Nếu bên đề nghị không ấn định thời điểm có hiệu lực thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp pháp luật có liên quan có quy định khác.

ky-ket-hop-dong-lao-dong

Lưu ý thứ ba

Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây (Điều 389 BLDS 2015):

a. Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

b. Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh

Lưu ý thứ tư

Huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 390 BLDS 2015): Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Lưu ý thứ năm

Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 391 BLDS 2015):

– Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a. Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

b. Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

c. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

d. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

e. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

f. Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

Lưu ý thứ sáu

Căn cứ pháp lý: Điều 395 BLDS 2015

a. Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

b. Trường hợp khi bên đề nghị chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sau khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên đề nghị.

Bước 2: Chấp nhận đề nghị ký kết hợp đồng lao động

1. Khái niệm:

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

2. Một vài lưu ý:

Lưu ý thứ nhất

Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Lưu ý thứ hai

Căn cứ pháp lý: Điều 394 BLDS 2015

Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng:

a. Trong trường hợp bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

b. Trong trường hợp bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.

Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc được đưa ra. Nếu có thắc mắc gì về lĩnh vực này, hãy liên lạc ngay với chúng tôi để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo.