Trong suốt quá trình làm việc trong một ngày, người lao động rất cần thời gian để nghỉ ngơi. Với mỗi doanh nghiệp khác nhau, thì chế độ về giờ nghỉ ngơi cũng là khác nhau. Như vậy, liệu trong thời gian nghỉ của người lao động có được tính lương hay không? Quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật lao động năm 2019;
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
2. Nội dung
2.1 Quy định về nghỉ trong giờ làm việc của người lao động
Có thể hiểu thời giờ nghỉ ngơi là khoảng thời gian người lao động không phải thực hiện công việc và được sử dụng khoảng thời gian này theo ý muốn của mình. Đây là thời gian để người lao động nghỉ ngơ, lấy lại năng lượng sau một khoảng thời gian dài làm việc liên tục trước khi chuyển sang ca làm việc tiếp theo.Trong thời gian làm việc, người lao động được bố trí nghỉ ngơi trong giờ làm quy định cụ thể tại điều 109 bộ luật lao động năm 2019:
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Cùng với đó, khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể về trường hợp nghỉ của người lao động như sau:
Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Như vậy,theo các quy định trên để được tính giờ nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc, ca làm việc của người lao động phải đáp ứng 2 điều kiện bao gồm:
– Số giờ làm việc của người lao động trong một ca làm từ 6h trở lên
– Giữa 2 ca làm việc liền kề thời gian chuyển tiếp không quá 45 phút.
Ngoài trường hợp trên, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về thời giờ nghỉ để tính vào giờ làm việc có hưởng lương. Việc pháp luật quy định như vậy không những giúp bảo vệ sức khỏe của người lao động mà còn giúp họ yên tâm làm việc. Các quy định này cũng giúp người lao động biết rõ về khoảng thời gian làm việc, chủ động trong quản lý thời gian, tăng khả năng sáng tạo. Đối với người sử dụng lao động giúp họ tính toán được chi phí nhân lực, quỹ tiền lương cần trả cho người lao động, góp phần chấp hành tốt các quy định về pháp luật lao động.
2.2 Quy định về sắp xếp thời giờ nghỉ ngơi của người lao động
– Người sử dụng lao động chỉ được bố trí giờ làm việc giữa ca cụ thể tại Khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
Có thể thấy quy định như vậy nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Trong suốt ca làm việc, người lao động cần được nghỉ ngơi hồi sức. Việc sắp xếp người lao động đi làm muộn hoặc về sớm không được coi là thời gian nghỉ giữa ca. Ngoài ra nếu người sử dụng lao động không thực hiện việc bố trí nghỉ giữa ca cho người lao động có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng theo nghị định số 28/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.
3. Kết luận
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Chúng tôi mong rằng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!