Những quy định về ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca mới nhất

Để đảm bảo chất lượng và sức khỏe người lao động thì cần phải bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi thực sự hợp lý. Thời gian nghỉ giữa ca chính là quyền lợi mà người lao động được hưởng theo quy định của Luật. Trong bài viết này, Luật Vitam sẽ cung cấp tới bạn về quy định về vấn đề này theo luật mới nhất.

1. Từ 2021, thời gian tối đa của mỗi ca làm việc là bao lâu?

Khái niệm “Ca làm việc” được giải thích tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020. Cụ thể:

“Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.”

Bên cạnh đó, Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ về thời gian làm việc của người lao động như sau:

“Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Có thể thấy, theo quy định trên ca làm việc bình thường đối với người làm việc theo ngày là không quá 08 giờ/ngày. Với trường hợp làm việc theo tuần thì ca làm việc bình thường tối đa là 10 giờ/ngày.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định trường hợp nếu người lao động đồng ý làm thêm giờ khi có yêu cầu thì thời gian của ca làm việc đó có thể kéo dài.

Căn cứ theo Điều 60 Nghị định 145/2020 đã hướng dẫn cụ thể về giới hạn làm thêm giờ như sau:

“1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường;

2. Trường hợp làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.

3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.

4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, khi làm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần.”

Tổng hợp các căn cứ trên người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ngày, trong trường hợp làm thêm giờ. Lưu ý: Thời gian này đã bao gồm cả thời gian làm việc bình thường và làm thêm giờ.

Lưu ý: Cần đảm bảo thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm công việc sản xuất da, giày, điện, cấp thoát nước,…

2. Cách tính thời gian nghỉ giữa ca từ năm 2021

Hiện nay, theo quy định mới nhất, thời gian nghỉ giữa ca được xác định tại Điều 109 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 64 Nghị định 145 như sau. Theo đó:

– Nếu trường hợp người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên/ngày vào ban ngày, thời gian nghỉ giữa ca: Ít nhất 30 phút liên tục.

– Nếu trường hợp người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên/ngày vào ban đêm hoặc có ít nhất 03 giờ làm việc ban đêm, thời gian nghỉ giữa ca: Ít nhất 45 phút liên tục.

– Nếu trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa ca được tính vào giờ làm việc.

Như vậy, quy định mới đã xác định cụ thể thời gian nghỉ giữa giờ đối với mọi ca làm việc. Ngoài ra, điều kiện để được được tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc theo quy định mới cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, từ năm 2021, người lao động chỉ cần làm ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì đã được hưởng quyền lợi này.

Bên cạnh đó, Nghị định 145/2020 cũng khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc dù không làm việc theo ca liên tục.

Những quy định này giúp đảm bảo sức khỏe và thể hiện sự quan tâm tới người lao động. Đây là những quy định thực sự có lợi đối với người lao động.

3. Từ năm 2021, tổ chức ca làm việc như thế nào cho đúng luật?

Căn cứ theo Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định tổ chức ca làm việc, Đây là nội dung hoàn toàn mới, cụ thể:

“Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).

Như vậy, khi tổ chức làm việc theo ca, người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc. Doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ giữa giờ theo thời gian theo đúng quy định khi tổ chức làm việc theo ca. Hơn nữa, căn cứ theo Điều 119 Bộ luật lao động năm 2019 doanh nghiệp bố trí lịch nghỉ để đảm bảo người lao động được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác theo.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 64 Nghị định 145 quy định, người sử dụng lao động có quyền quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc. Tuy nhiên không được bố trí thời gian nghỉ vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc để đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi trong quá trình làm việc. Đât là quy định mới của Luật nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

4. Không đảm bảo thời gian làm việc, thời gian nghỉ, doanh nghiệp bị phạt nặng

Căn cứ theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính với doanh nghiệp không đảm bảo thời gian làm việc, nghỉ ngơi với người lao động. Cụ thể:

– Theo điểm a khoản 1 Điều 17, phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng: Không đảm bảo về thời gian nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca cho người lao động

– Theo điểm a khoản 3 Điều 17, phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng: Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định

– Theo khoản 4 Điều 17, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm mà doanh nghiệp sẽ bị xử phạt các mức khác nhau. Cụ thể:

+ Vi phạm 01 – 10 lao động: Từ 05 – 10 triệu đồng

+ Vi phạm 11 – 50 lao động: Từ 10 – 20 triệu đồng

+ Vi phạm 51 – 100 lao động: Từ 20 – 40 triệu đồng

+ Vi phạm 51 – 100 lao động: Từ 20 – 40 triệu đồng

+ Vi phạm 101 – 300 lao động: Từ 40 – 60 triệu đồng

+ Vi phạm 301 lao động trở lên: Từ 60 – 70 triệu đồng

Như vậy, thời gian nghỉ giữa ca là quyền lợi của người lao động theo quy định mới nhất của luật. Những chia sẻ của Luật Vitam chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp hiểu và tuân thủ pháp luật. Từ đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tới người lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *