Cán bộ, công chức, viên chức là những người lao động đặc biệt, chịu sự điều chỉnh của luật riêng. Vậy những đối tượng này nếu vi phạm quy định thì sẽ có những hình thức kỷ luật như thế nào? Hãy cùng Luật Vitam đi tìm hiểu sâu hơn về những chủ thể đặc biệt này nhé!
Mục lục
1. Kỷ luật là gì?
Kỷ luật là những quy tắc xử sự chung do một cơ quan, tổ chức đặt ra yêu cầu tất cả các thành viên trong cơ quan, tổ chức đó phải thực hiện theo, thường được đặt ra trong các cơ quan nhà nước.
Kỷ luật có thể mang tính pháp lý hoặc không mang tính pháp lý:
– Đối với các tổ chức ngoài nhà nước thì kỷ luật ở đây chỉ là những quy định cho các thành viên trong tổ chức, buộc họ phải thực hiện theo. Trường hợp không tuân thủ những kỷ luật đó sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy tổ chức đó quy định, không mang tính pháp lý.
– Đối với các cơ quan nhà nước kỳ luật là khuôn mẫu nhất định buộc các cán bộ, công chức, viên chức phải làm theo, nếu không thực hiện theo các quy tắc đó họ sẽ bị xử lý kỷ luật, việc xử lý kỷ luật này sẽ mang tính pháp lý.
2. Có 04 hình thức kỷ luật đối với cán bộ
Căn cứ theo Điều 78, Luật Cán bộ công chức năm 2008. Theo đó, cán bộ vi phạm quy định của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
– Khiển trách;
– Cảnh cáo;
– Cách chức;
– Bãi nhiệm.
Tuy nhiên, việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
Với cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Áp dụng 06 hình thức kỷ luật công chức
Căn cứ theo Khoản 15 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Theo đó, nếu vi phạm, công chức sẽ bị áp dụng một trong các hình thức kỉ luật sau:
– Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
+ Khiển trách;
+ Cảnh cáo;
+ Hạ bậc lương;
+ Buộc thôi việc.
– Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
+ Khiển trách;
+ Cảnh cáo;
+ Giáng chức;
+ Cách chức;
+ Buộc thôi việc.
Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm. Với công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì sẽ đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
4. Áp dụng 04 hình thức kỷ luật đối với viên chức
Căn cứ theo Điều 52, Luật Viên chức năm 2011. Theo đó, luật này quy định các hình thức kỉ luật với viên chức vi phạm như sau:
– Đối với viên chức quản lý:
+ Khiển trách;
+ Cảnh cáo;
+ Cách chức;
+ Buộc thôi việc.
– Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:
+ Khiển trách;
+ Cảnh cáo;
+ Buộc thôi việc.
Kết luận
Trên đây là những kiến thức Luật Vitam cung cấp về các hình thức kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của luật. Với mỗi đối tượng này, sẽ có những hình thức kỉ luật khác nhau nhằm phù hợp với các yếu tố khác nhau. Nếu các bạn còn bất kì vướng mắc nào, hãy liên hệ với Luật Vitam để được giải đáp cụ thể.