Hiện nay việc mỗi hợp đồng lao động thường có thêm phụ lục không còn quá xa lạ nữa. Bởi lẽ trong quá trình thực tế tham gia vào quan hệ lao động sẽ có những phát sinh cần phải bổ sung. Vậy thì, phụ lục sẽ có hiệu lực như thế nào là câu hỏi được đặt ra. Luật Vitam sẽ giải đáp vướng mắc này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng
Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 có quy định cụ thể về hợp đồng như sau:
“Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”
Dựa theo quy định trên, có thể thấy hợp đồng lao động mang 2 đặc điểm:
+ Thứ nhất, là sự tự nguyện, bình đẳng, thiện chí và hợp tác.
+ Thứ hai, là sự tự do khi giao kết hợp đồng lao động.
Theo quy định, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng thì hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Để điểu chỉnh nội dung hợp đồng trong trường hợp các bên có thay đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao đồng có thể lập phụ lục hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động là phần gắn liền và không thể tách rời hợp đồng lao động.
2. Hiệu lực của phụ lục hợp đồng lao động
Điều 22 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về phụ lục hợp đồng lao động như sau:
“1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.”
Phụ lục lao động và hợp đồng lao động được coi là có giá trị pháp lý ngang nhau, phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động. Khi phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt cần lưu ý thời điểm có hiệu lực của phụ lục đó.
3. Phụ lục hợp đồng thay thế
Trong nhiều trường hợp một hợp đồng lao động sẽ có nhiều hơn 1 phụ lục. Việc phụ lục sau có giá trị thay thế phụ lục trước hay không còn tùy thuộc vào nội dung cụ thể của hai bản phụ lục kèm theo hợp đồng lao động. Do đó, việc có hiệu lực của hai phụ lục hợp đồng lao động này hoàn toàn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.
Kết luận
Phụ lục hợp đồng lao động là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động. Hơn nữa, nó cũng có giá trị pháp lý như hợp đồng lao động và là bộ phận không thể tách rời với hợp đồng lao động. Hi vọng những chia sẻ của Luật Vitam sẽ giúp ích tới các bên trong khi tham gia kí kết lao động.