Pháp luật quy định những chế độ đặc biệt dành cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên không phải ai cũng biết điều này. Luật Vitam sẽ tổng hợp 08 quyền lợi mà lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi cần biết. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
- 1. Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi
- 2. Không làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa
- 3. Được chuyển việc hoặc giảm bớt giờ làm
- 4. Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới
- 5. Không được xử lý kỷ luật lao động
- 6. Được nghỉ mỗi ngày 60 phút hưởng đủ tiền lương
- 7. Có thời gian nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/ con/ năm
- 8. Hưởng trợ cấp khi con ốm đau
1. Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Đây là quy định mang tính nhân văn và bảo vệ quyền lợi của lao động nữ. Trước và sau sinh đều là giai đoạn mà người lao động gặp nhiều khó khăn, cả về sức khỏe lẫn tài chính. Vì vậy, việc cầm người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp dồng trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý.
2. Không làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa
Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Như vậy, người sử dụng lao động muốn sử dụng người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm làm thêm giờ và đi công tác xa theo quy định hiện nay là không được phép.
3. Được chuyển việc hoặc giảm bớt giờ làm
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 thì lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi khi:
- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.
Lưu ý: Lao động nữ phải có thông báo cho người sử dụng lao động biết để được xét duyệt.
4. Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới
Trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, sẽ được ưu tiên giao kết hợp đồng mới theo quy định tại Khoản 3, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
5. Không được xử lý kỷ luật lao động
Khoản 4, Điều 122, Bộ luật Lao động2019 quy định không được xử lý kỷ luật lao động với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Các hình thức kỷ luật LĐ sẽ được thực hiện sau khi NLĐ hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quy định trên giúp NLĐ nữ trong thời gian nuôi con được hưởng những quyền lợi cơ bản về lương thưởng. Đồng thời giảm áp lực kỷ luật nếu có đối với người lao động nữ.
6. Được nghỉ mỗi ngày 60 phút hưởng đủ tiền lương
Căn cứ vào Khoản 4, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 thì lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Mặt khác, tại Khoản 4, Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định chi tiết thời gian nghỉ như sau:
- Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trong trường hợp NLĐ nữ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ.
7. Có thời gian nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/ con/ năm
Căn cứ vào Điều 27, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 trường hợp lao động nữ đóng BHXH bắt buộc có con bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/năm/mỗi con. Thời gian nghỉ tính hưởng không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
8. Hưởng trợ cấp khi con ốm đau
Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi tham gia BHXH bắt buộc và đủ điều kiện hưởng chế độ con ốm đau được hưởng mức trợ cấp trong thời gian nghỉ việc chăm con theo quy định tại Điều 28, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
- Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Như vậy, tổng số tiền mà cha mẹ được hưởng mỗi lần con ốm đau được tính theo công thức:
Tiền trợ cấp = { 75% x Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ }/ { 24 x số ngày nghỉ }
Trên đây là chia sẻ của Luật Vitam. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!