Chưa đăng ký kết hôn nam có được hưởng thai sản? Căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và và các văn bản hướng dẫn thi hành, vẫn có chế độ thai sản dành cho nam. Tuy nhiên, nam giới chưa kết hôn có quyền được HƯỞNG CHẾ ĐỘ này hay không? Bài viết sau đây của Luật Vitam sẽ cung cấp thêm thông tin cho quý bạn đọc.
1. Điều kiện hưởng thai sản đối với lao động nam
Người lao động nam được hưởng chế độ thai sản nếu có đủ 02 điều kiện tại Khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2014 sau:
– Đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội: pháp luật không quy định cụ thể thời gian là bao lâu, thời gian tối thiểu để được hưởng chế dộ thai sản (quy định khác so với người lao động nữ).
– Có vợ sinh con.
2. Chế độ hưởng thai sản đối với nam
2.1. Thời gian nghỉ hưởng
Theo Khoản 2, 4, 6 Điều 34 LBHXH, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh được nghỉ hưởng chế độ thai sản như sau:
– 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường;
– 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
– 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi;
– Từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
– 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Trong một số trường hợp đặc biệt, lao động nam được nghỉ với thời gian dài hơn. Tuy nhiên thời gian nghỉ sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần:
– Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Nếu mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng và mẹ chết sau sinh thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
– Trường hợp cha tham gia BHXH mà không nghỉ việc khi vợ chết sau sinh thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ.
– Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
2.2. Mức hưởng
Mức hưởng chế độ thai sản dành cho NLĐ nam có cách tính quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật BHXH như sau:
Mức hưởng = 100% X (Mbqtl : 24) X Số ngày được nghỉ.
Trong đó:
– Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;
– Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là Mbqtl mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
3. Chế độ trợ cấp một lần khi sinh con
Điều kiện để được hưởng chế độ trợ cấp một lần:
– Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
– Trường hợp người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
Như vậy, người lao động nam được trợ cấp bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp sẽ là: 1,49 triệu đồng x 2 = 2,98 triệu đồng.
4. Nam không được hưởng thai sản khi chưa đăng ký kết hôn
Một trong hai điều kiện để được hưởng chế độ thai sản của lao động nam là ” có vợ sinh con”. Người có vợ theo quy định pháp luật là phải kết hôn. Quan hệ vợ chồng chỉ được công nhận khi nam và nữ kết hôn hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Như vậy, đối với NLĐ chưa đăng ký hoặc không đăng ký kết hôn sẽ không được xác định là vợ chồng hợp pháp. Do vậy, người lao động nam trong trường hợp này sẽ không được hưởng chế độ thai sản.
Trên đây là chia sẻ của Luật Vitam. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật thông tin mới nhé!