Trong quá trình làm việc, để đảm bảo sức khỏe của người lao động, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể về thời gian nghỉ trong giờ làm việc. Thời gian nghỉ trong giờ làm việc có được tính lương hay không? Đây là câu hỏi mà Luật Vitam nhận được rất nhiều từ người lao động. Vậy quy định cụ thể của vấn đề này ra sao? Hãy cùng theo dõi ngay sau đây nhé!
Mục lục
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật lao động 2019;
– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP
2. Thời gian nghỉ trong giờ làm việc là gì?
Thời gian làm việc bình thường được Bộ luật lao động quy định như sau:
– Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
– Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Việc quy định giờ làm việc như thế nào thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động nhằm phù hợp với đặc thù, tính chất công việc. Cùng một doanh nghiệp, người lao động có thể phân nhiều thời gian làm việc khác nhau, từng bộ phận phối kết hợp để đảm bảo hiệu quả công việc.
Thời gian nghỉ trong giờ làm việc dành cho người lao động được quy định như sau:
Điều 109. Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Căn cứ quy định trên, có thể cụ thể thời gian nghỉ trong giờ làm việc của người lai động như sau:
– Người lao động làm từ 6 giờ trở lên trong một ngày: nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục;
– Người lao động làm việc ban đêm: nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
– Người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên: nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
Ngoài thời gian nghỉ quy định nêu trên, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động tại Điều 64 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
– Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 3 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
– Trường hợp làm việc theo ca liên tục thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
– Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
3. Thời gian nghỉ trong giờ làm việc có được tính trả lương?
Căn cứ khoản 1 Điều 109 Bộ luật lao động năm 2019 nêu trên, có thể xác định chỉ trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 tiếng trở lên thì thời gian nghỉ mới được tính vào giờ làm việc. Hiểu đơn giản rằng khi người lao động làm việc đáp ứng đủ thời gian được nghỉ trong giờ làm việc thì thời gian nghỉ đó được tính lương.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!