Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận đã đạt được thông qua hình thức thương lượng giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về các điều kiện lao động quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Mục đích xây dựng là để tạo mối quan hệ lao động trở lên hài hòa, là căn cứ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Luật Vitam sẽ làm rõ lĩnh vực này qua bài viết sau:
Mục lục
1. Quy định về việc ký kết thỏa ước lao động tập thể
Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 76 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:
“Điều 76. Lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể
1. Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
2. Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.
Đối với thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.”
Như vậy, thỏa ước lao động tập thể là văn bản bắt buộc phải lấy ý kiến của tập thể người lao động. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được.
2. Chi phí ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp do ai chi trả?
Căn cứ theo quy định tại Điều 89 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
“Điều 89. Chi phí thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể
Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể do phía người sử dụng lao động chi trả.”
Như vậy, theo quy định trên thì mọi chi phí cho việc ký kết thỏa ước sẽ do doanh nghiệp chi trả mặc dù do tập thể lao động yêu cầu. Quy định này xuất phát từ khả năng về kinh tế của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, họ luôn luôn có khả năng kinh tế cao hơn so với người lao động, đặc biệt là xuất phát từ vai trò của chủ thể quản lý lao động và mục đích hướng đến cuối cùng của việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
3. Doanh nghiệp không chi trả chi phí thương lượng, ký kết thỏa ước có thể bị xử phạt?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 và Khoản 1 Điều 15 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Điều 15. Vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
b) Không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;
Như vậy, theo quy định trên thì đối với trường hợp doanh nghiệp không trả mọi chi phí khi ký kết thỏa ước LĐTT thì sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!