Thanh tra chuyên ngành về lao động là hoạt động xem xét, đánh giá và xử lý việc thực hiện theo pháp luật lao động của tổ chức, cá nhân. Vậy thanh tra chuyên ngàng lao động là gì? Có quyền hạn như thế nào? Hãy tham khảo bài viết sau của Luật Vitam:
1. Thanh tra lao động là gì?
Thanh tra lao động (TTLĐ) là hoạt động xem xét, đánh giá và xử lí việc thực hiện theo pháp luật lao động của tổ chức cá nhân. TTLĐ do cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực lao động thực hiện theo trình tự mà pháp luật quy định nhằm phục vụ cho hoạt động quản lí; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể lao động và tổ chức cá nhân khác.
2. Quyền của thanh tra lao động
Quyền của thanh tra lao động (TTLĐ) được quy định tại Điều 216 Bộ luật lao động năm 2019:
TTLĐ có quyền thanh tra, điều tra nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao theo quyết định thanh tra.
Khi thanh tra đột xuất theo quyết định của người có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp; có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc thì không cần báo trước.
Theo quy định này, thanh tra lao động có quyền thanh tra, điều tra nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao theo quyết định thanh tra. Một số trường hợp khẩn cấp, có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự của NLĐ tại nơi làm việc. Khi đó thanh tra đột suất trong trường hợp này thì không cần báo trước.
Dựa trên quyết định thanh tra này, đoàn thanh tra viên độc lập tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động; an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức. Quá trình thanh tra cần đảm bảo đúng nội dung được quy định trong quyết định thanh tra lao động.
Theo Công ước số 81, thanh tra viên lao động được giao cho một số quyền như:
+ Quyền được tự do đến nơi làm việc
+ Quyền tự do thực hiện thanh tra bất cứ lúc nào, ngày hay đêm mà không phải báo trước.
BLLĐ 2019 đã quy định theo hướng phù hợp với Công ước số 81 của ILO. Khi thanh tra đột xuất theo quyết định của người có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc thì không cần báo trước.
Quy định này nhằm đảm bảo tính đặc thù của thanh tra lao động:
+ Phòng ngừa và bảo vệ khỏi sự xâm hại của NSDLĐ với NLĐ tại nơi làm việc;
+ Bảo đảm phòng chống và xóa bỏ cưỡng bức lao động;
+ Tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đảm bảo tuân thủ pháp luật trên thực tiễn và phù hợp với Công ước số 81.
Thực tiễn cho thấy, khi phát hiện những trường hợp khẩn cấp xâm phạm đến người lao động, mà thanh tra lao động phải thông báo trước cho doanh nghiệp, tuân thủ thủ tục, quy trình phức tạp mới có quyền thanh tra thì quyền lợi của người lao động có thể đã bị xâm phạm. Doanh nghiệp có thể nhanh chóng che giấu hành vi sai phạm. Khi đó thanh tra không thể bảo vệ NLĐ theo chức trách và nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, để xác định như thế nào là “có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc” thì chưa có quy định cụ thể. Do đó, cần phải có văn bản quy định cụ thể tính chất, mức độ để làm căn cứ ban hành quyết định thanh tra đột suất. Điều này nhằm hạn chế tình trạng cơ quan thanh tra vào thanh tra đột suất tại doanh nghiệp mà không báo trước; gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!