Tranh chấp lao động là một trong những loại tranh chấp phổ biên và phức tạp nhất hiện nay. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động là nội dung nhiều người lao động quan tâm. Pháp luật đưa ra quy định về thời hiệu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Vậy nguyên tắc và thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Vitam sẽ làm rõ vấn đề này.
Mục lục
1. Tranh chấp lao động là gì?
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
2. Các loại tranh chấp lao động
a. Tranh chấp giữa cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động
Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp; tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
b.Tranh chấp lao động tập thể với người sử dụng lao động
Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động; hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Điều 180 Bộ luật lao động năm 2019. Quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động. Cụ thể như sau:
1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được xây dựng dựa trên đặc tính của quan hệ lao động và quan điểm xây dựng chính sách liên quan đến mức độ can thiệp của nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động.
Người lao động và người sử dụng lao động dù có tranh chấp với nhau nhưng cuối cùng vẫn phải hợp tác để làm việc. Vì vậy, mục đích cốt lõi của việc giải quyết tranh chấp lao động là nhằm giải tỏa những bất đồng trong quan hệ lao động, bảo đảm quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mỗi bên tranh chấp, đồng thời cũng hướng tới việc xây dựng quan hệ lao động tiến bộ; hài hòa và ổn định.
Do đó, việc giải quyết tranh chấp lao động phải đạt được những mục tiêu ở các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động. Về mặt này, người ta thời chấp nhận rằng những thủ tục giải quyết phải nhằm hướng đến một sự giải quyết hòa bình; trật tự; để tránh việc các bên phải sử dụng đến các biện pháp đình công hay đóng cửa doanh nghiệp.
4. Các phương thức giải quyết tranh chấp lao động
Giải quyết tranh chấp giữa cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động được thông qua các hình thức sau:
a. Giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải viên lao động
Các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải; hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Về bồi thường thiệt hại; trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm; về bảo hiểm tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp; tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Các trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải nêu trên hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
– Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật Lao động;
– Yêu cầu Tòa án giải quyết.
b. Giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động
Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp không bắt buộc phải thông qua Hòa giải viên thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp.
Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp Ban trọng tài lao động không được thành lập; hoặc Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp. Thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
c. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân
Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trong trường hợp không bắt buộc phải thông qua Hòa giải viên hoặc trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
5. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
– Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền; và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
– Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
– Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
– Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng; trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Vitam. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo!