Doanh nghiệp không có công đoàn có cần đóng phí công đoàn hay không? Chi phí đóng là bao nhiêu? Và bạn đang chưa tìm được hướng đi cụ thể cho doanh nghiệp của mình.
Ở bài viết này, Luật Vitam sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này nhé. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
1. Câu hỏi của khách hàng
Doanh nghiệp tôi mới thành lập và sử dụng 20 người lao động. Người lao động trong doanh nghiệp không có nhu cầu thành lập công đoàn cơ sở. Vậy nếu không thành lập công đoàn cơ sở thì người lao động và doanh nghiệp có cần đóng đoàn phí hay kinh phí công đoàn không? Nếu có thì mức đóng là bao nhiêu?
2. Luật sư tư vấn
Điều 6 Luật Công đoàn năm 2012 quy định:
“Điều 6. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn
1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”.
Như vậy, việc thành lập công đoàn mang tính chất tự nguyện nên doanh nghiệp bạn có thể không thành lập công đoàn cơ sở.
Tài chính công đoàn được quy định tại Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 như sau:
“Điều 26. Tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.”
Theo khoản 1 Điều 26 thì đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đóng góp. Do đó nếu không phải đoàn viên công đoàn thì người lao động không cần phải đóng. Doanh nghiệp bạn không thành lập công đoàn nên không có công đoàn viên nên người lao động không phải đóng đoàn phí.
Theo khoản 2 Điều 26 thì kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hướng dẫn cụ thể nội dung này tại Điều 4 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn như sau:
“Điều 4. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn
Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:
1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.”.
Điều 4 đã quy định rõ các đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn kể cả đã có hay chưa có tổ chức công đoàn trong đó có doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp bạn vẫn phải đóng kinh phí công đoàn dù không có tổ chức công đoàn cơ sở nhưng . Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Kết luận
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!