Hợp đồng lao động không thời hạn: Cần biết gì trước khi đặt bút ký? Bài viết dưới đây sẽ điểm qua một số lưu ý đối với các bên trước khi ký HĐLĐ không thời hạn. Cùng theo dõi ngay sau đây cùng Luật Vitam nhé!
Mục lục
1. Trường hợp nào được ký hợp đồng lao động không thời hạn?
Theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Cùng với đó, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong 2 loại sau:
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên. Pháp luật lao động cũng tôn trọng quyền của các bên khi lựa chọn loại hợp đồng sẽ giao kết. Vì vậy, các bên có quyền tự do thỏa thuận về việc giao kết hợp đồng lao động không thời hạn nếu muốn.
2. Hợp đồng lao động không thời hạn được ký dưới hình thức nào?
Căn cứ Điều 14 BLLĐ 2019, HĐLĐ có thể giao kết dưới một trong 03 hình thức sau:
(1) Bằng văn bản;
(2) Thông điệp dữ liệu thông qua phương tiện điện tử;
(3) Bằng lời nói.
Trong đó:
– Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về giao dịch điện tử cũng có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
– Hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ áp dụng với hợp đồng lao động dưới 01 tháng, trừ trường hợp giao kết hợp đồng với người giúp việc, người dưới 15 tuổi, nhóm người lao động thông qua người được ủy quyền để làm công việc dưới 12 tháng.
Như vậy, khi ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, các bên chỉ được sử dụng hình thức văn bản hoặc thông qua dữ liệu điện tử và không được sử dụng hình thức lời nói để giao kết loại hợp đồng này.
3. Ký hợp đồng lao động không thời hạn, người lao động được lợi gì?
Dù làm việc theo loại hợp đồng lao động nào, người lao động cũng được đảm bảo những quyền lợi về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ phúc lợi của công ty,…
Tuy nhiên, so với HĐLĐ có thời hạn, HĐLĐ không thời hạn có một số lợi thế sau:
– Thời hạn của hợp đồng là không xác định.
Nếu như ký hợp đồng có thời hạn, các bên sẽ thực hiện hợp đồng theo thời hạn đã thỏa thuận nhưng tối đa không quá 03 năm. Hết thời hạn này, hợp đồng lao động sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục làm việc, các bên phải tiến hành ký hợp đồng mới. Hợp đồng lao động xác định thời hạn chỉ được ký tối đa 02 lần. Nếu sau đó, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải tiến hành ký HĐLĐ không xác định thời hạn.
Trong khi đó, với hợp đồng vô thời hạn, các bên không cần ký nhiều lần hợp đồng lao động. Với một lần ký hợp đồng, người lao động sẽ làm công việc theo thỏa thuận cho đến khi có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hoặc một trong các bên muốn chấm dứt hợp đồng hoặc không đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng.
– Được tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Với bảo hiểm y tế, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).
Trong khi đó, theo Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên mới được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, NLĐ khi ký HĐLĐ không xác định thời hạn sẽ được tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN.
4. Chấm dứt hợp đồng lao động không thời hạn, có dễ dàng?
Theo Điều 34 BLLĐ 2019, HĐLĐ sẽ bị chấm dứt khi có một trong những căn cứ sau:
a. Hết hạn hợp đồng lao động;
b. Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
c. Người lao động chết,
d. Người lao động bị sa thải;
e. Một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động,…
Hầu hết trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động giữa các loại hợp đồng là giống nhau. Tuy nhiên nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì điều kiện để chấm dứt hợp đồng hợp pháp giữa các loại hợp đồng sẽ có chút khác biệt.
Cụ thể, theo Điều 35 và Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, trừ một số trường hợp cụ thể không cần báo trước, còn lại người lao động và người sử dụng lao động đều phải đảm bảo thời gian báo trước cho đối phương:
a. Ít nhất 45 ngày: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
b. Ít nhất 30 ngày: Hợp đồng lao động từ 12 – 36 tháng.
c. Ít nhất 03 ngày: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Có thể thấy, khi giao kết hợp đồng không xác định thời hạn, thời gian phải báo trước để đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ dài hơn hợp đồng xác định thời hạn. Do đó, sẽ cần thời gian dài hơn từ lúc một trong hai bên đơn phương thông báo muốn dừng việc thực hiện hợp đồng cho đến khi chính thức chấm dứt hợp đồng lao động.
Cũng cần lưu ý, nếu không đáp ứng về thời gian báo trước theo quy định, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Khi đó, người lao động hoặc người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường một khoản tiền nhất định cho bên còn lại để chấm dứt hợp đồng.
Trên đây là một số lưu ý trước khi ký HĐLĐ không thời hạn mà các bên cần nắm rõ. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!