Cách tính trợ cấp thôi việc khi sa thải người lao động

Cách tính trợ cấp thôi việc khi sa thải người lao động

Cách tính trợ cấp thôi việc khi sa thải người lao động ra sao? Có những quy định nào của pháp luật về vấn đề này?  Với thắc mắc này của người lao động, Luật Vitam xin được giải đáp ở bài viết dưới đây.
tro-cap-thoi-viec

I. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

1. Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho Người lao động (NLĐ) đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp sau:
a. Hết hạn hợp đồng lao động;
b. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
c. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
d. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;
e. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
f. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

g. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật lao động;
h. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ Luật lao động;

2. Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc:

a. Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
b. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.
c.  Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải

II. Các hình thức kỉ luật lao động

  1. Theo quy định tại điều 124, Bộ luật lao động năm 2019:

Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.

Ở đây không phân biệt hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo trường hợp nào của các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
2. Tại điều 125 Bộ luật lao động năm 2019 quy định hình thức kỉ luật sa thải được áp dụng trong những trường hợp sau:

Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Như vậy, tuy có nhiều hình thức vi phạm khác nhau, song về cơ bản đều là sự vi phạm nghiêm trọng đến nội quy của công ty, nói một cách khác là quan hệ lao động chấm dứt hoàn toàn do lỗi của người lao động, nên mặc dù là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nhưng theo khoản 1 điều 46 Bộ luật lao động năm 2019 thì khi bị sa thải người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc.

III. Mức hưởng trợ cấp thôi việc

Tiền trợ cấp thôi việc  = ½      X    Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc      X      Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Trong đó:
a.Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
b. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc;

Lưu ý:

1. Cách xác định thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:

a. Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo HĐLĐ;
b. Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
c. Thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật BHXH ;
d. Thời gian nghỉ hằng tuần,
e. Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương đối với các trường hợp: nghỉ hằng năm; ngày nghỉ hằng năm tăng theo thâm niên nghề làm việc; nghỉ lễ, tết; nghỉ việc riêng những vẫn hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật;
f. Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn;
g. Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;
h. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
i. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;

2. Thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

a. Thời gian NSDLĐ đã đóng BHTN theo quy định của pháp luật;
b. Thời gian NSDLĐ đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN theo quy định của pháp luật;
Lưu ý:
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của NLĐ được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.
Trên đây là ý kiến tư vấn về cách tính trợ cấp thôi việc của Luật Vitam
Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn nắm được quyền lợi của mình. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo của luatsulaodong.
Trân trọng,