Mục lục
Ai có quyền ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải ?
Xử lý kỷ luật sa thải là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp duy trì nề nếp, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để tránh bị khiếu nại, khiếu kiện thì buộc quyết định xử lý kỷ luật phải được ban hành bởi người có thẩm quyền.
1. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động
a. Khiển trách.
b. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
c. Cách chức.
d. Sa thải.
Trong đó hình thức xử lý kỷ luật sa thải là hình thức cao nhất.
2. Quy định về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
– Căn cứ pháp lý:
Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019
– Cụ thể:
“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”
3. Người có quyền ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải
– Căn cứ pháp lý:
Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ
– Quy định:
“Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động: người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động”.
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
b. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
c. Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d. Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Trường hợp người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động không trực tiếp giao kết hợp đồng lao động thì ủy quyền hợp pháp bằng văn bản cho người khác giao kết hợp đồng lao động theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Trên đây là những tư vấn của luật sư về vấn đề được đưa ra. Nếu có thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hãy gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.