Dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Nó kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của người lao động. Từ đó, kéo theo theo vấn đề tiền lương cũng bị ảnh hưởng. Trong bài viết này, Luật Vitam sẽ đưa ra 4 vấn đề về tiền lương người lao động cần biết trong thời gian Covid-19.
Mục lục
- 1. Doanh nghiệp có được giảm lương khi người lao động làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid-19?
- 2. Doanh nghiệp có được trả lương trễ vì lý do Covid-19?
- 3. Người lao động không thể trực tiếp nhận lương nên doanh nghiệp có quyền không trả lương hoặc giam lương?
- 4. Ngừng việc vì giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung người lao động có được trả lương?
1. Doanh nghiệp có được giảm lương khi người lao động làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid-19?
Căn cứ theo Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc trả lương cho người lao động :
“Điều 95. Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.”
=> Người lao động sẽ được trả lương căn cứ theo thỏa thuận, năng suất, chất lượng công việc. Do đó việc làm ở nhà hay công ty là không xét tới. Vì vậy, nếu như người lao động làm việc tại nhà và vẫn đảm bảo công việc thì vẫn sẽ được nhận lương. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán lương đầy đủ cho người lao động.
2. Doanh nghiệp có được trả lương trễ vì lý do Covid-19?
Căn cứ theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.”
=> Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương đúng hạn cho người lao động. Với những trường hợp vì lý do bất khả kháng, doanh nghiệp được quyền trả lương chậm. Tuy nhiên, nếu trả lương muộn từ 15 ngày trở lên, doanh nghiệp phải đền bù cho người lao động. Số tiền ít nhất là số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
3. Người lao động không thể trực tiếp nhận lương nên doanh nghiệp có quyền không trả lương hoặc giam lương?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”
Như vậy, trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp. Theo đó doanh nghiệp có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 96. Hình thức trả lương
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.”
Như vậy, người lao động có thể nhận lương qua thẻ ngân hàng mà không cần trực tiếp nhận lương.
4. Ngừng việc vì giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung người lao động có được trả lương?
Quy định về ngừng lương căn cứ theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, việc trả lương ngừng việc cho người lao động sẽ được thực hiện như sau:
Tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc sẽ do thỏa thuận theo quy định. Đây là đối với các trường hợp người lao động ngừng việc do phải đi cách ly tập trung, giãn cách xã hội, hoặc bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trên đây là 4 vấn đề về tiền lương người lao động cần biết trong thời gian Covid-19. Đây là những kiến thức rất cần thiết đối với người lao động trong thời kì khó khăn này. Hãy nâng cao nhận thức để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.