4 điều cần biết về công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp

Công đoàn cơ sở là một khái niệm còn tương đối mới mẻ với cả người lao động và doanh nghiệp. Vậy đây là gì và có những vấn đề nào xoay quanh khái niệm này. Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay nhé!

1. Công đoàn cơ sở là gì?

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 có quy định cụ thể về khái niệm này. Cụ thể, công đoàn sơ sở là một trong những tên gọi của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.”

Như vậy, đây là tổ chức được lập ra nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là trong quá trình người lao động bị xử lý kỷ luật lao động. Việc tham gia công đoàn cơ sở sẽ giúp người lao động có thêm nhiều quyền lợi và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia lao động, sản xuất

2. Có bắt buộc thành lập công đoàn trong doanh nghiệp không?

– Căn cứ pháp lý: Điều 7 Luật Công đoàn 2012

Theo quy định tại điều khoản trên thì hệ thống tổ chức công đoàn hiện nay gồm có: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp. Và các tổ chức công đoàn cơ sở là cấp được tổ chức trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động.

Ngoài ra theo Điều 6 Luật Công đoàn 2012 có quy định cụ thể về hình thức và cách thức hoạt động của công đoàn. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, có tính tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì tính chất của công đoàn là tự nguyện vậy nên doanh nghiệp có thành lập công đoàn hay không sẽ xuất phát từ ý kiến thống nhất của tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Đây hoàn toàn không phải nghĩa vụ của doanh nghiệp cần thực hiện.

cong-doan

3. Mức đóng đoàn phí, kinh phí công đoàn

a. Đối với doanh nghiệp:

Thành lập công đoàn không phải việc làm bắt buộc bên trong doanh nghiệp nhưng nếu trong đơn vị có công đoàn thì hàng tháng, vào cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thêm nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn. Mức đóng được quy định cụ thể tại điều Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp sẽ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

Trong trường hợp nếu doanh nghiệp chậm đóng khoản phí này hoặc đóng không đầy đủ và đúng mức thì doanh nghiệp đó sẽ bị phạt với số tiền phạt lên đến 75 triệu đồng. Cụ thể mức đóng sẽ từ 12 – 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản và tối đa không quá 75 triệu đồng.

b. Đối với người lao động là đoàn viên:

Đối với người lao động thì việc tham gia công đoàn là tự nguyện. Tuy nhiên khi tham gia công đoàn người lao động sẽ phải có nghĩa vụ đóng đoàn phí. Mức đóng đoàn phí được tính bằng 1% số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và không được quá 10% mức lương cơ sở. Một lưu ý đặc biệt quan trọng mà người lao động cần quan tâm là theo Hướng dẫn 238/HD-TLĐ, đoàn viên sẽ bị kỷ luật nếu như trong 6 tháng liên tục không đóng đoàn phí mà không có lý do chính đáng.

4. Quyền lợi của người lao động khi gia nhập công đoàn

Căn cứ: Điều 18 Luật Công đoàn 2012 và Nghị định 43/2013/NĐ-CP. Theo đó, khi tham gia công đoàn người lao động có thể được hưởng các quyền lợi sau đây. Trên cơ sở xem xét các quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia công đoàn, người lao động có thể đưa ra quyết định nên hay không nên tham gia. Các quyền lợi cụ thể như sau:

  • Người lao động được quyền yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm;
  • Được nắm bắt các thông tin, tham gia thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn; được thông báo về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động; quy định của công đoàn;
  • Người lao động còn có cơ hội tham gia ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm;
  • Được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn;
  • Nhận được sự hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn từ tổ chức công đoàn;
  • Có cơ hội tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do công đoàn tổ chức;
  • Đề xuất với công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Trên đây là những chia sẻ của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp. Hạn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *