3 trường hợp được đi muộn, về sớm vẫn nhận đủ lương

Nguyên tắc tuân thủ thời gian làm việc là điều mà tất cả người lao động cần biết và thực hiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những trường hợp đặc biệt, dù đi muộn và về sớm nhưng vẫn nhận đủ lương. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Vitam chúng tôi để hiểu rõ hơn nhé!

1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019.
  • Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động 2019.

2. Người lao động là gì?

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận; được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật lao động.

3. Quy định kỷ luật khi người lao động đi muộn về sớm

Theo Điều 117 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có quyền ban hành nội quy kỷ luật lao động về vấn đề tuân thủ thời gian, công nghệ, điều hành sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những quy định trên vẫn phải tuân thủ các điều luật do pháp luật quy định.

Điều 127 của Bộ luật lao động 2019 cũng đã nêu rõ các hành vi sau bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động:

– Xâm phạm danh dự, sức khỏe, uy tín, tính mạng và nhân phẩm người lao động.

– Phạt tiền, cắt lương thay việc khi xử lý kỷ luật

– Xử lý kỷ luật đối với lao động có vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định.

Như vậy, khi người lao động tự ý đi muôn, về sớm đã vi phạm nội quy lao động, doanh nghiệp có thể sử dụng như: khiển trách, cách chức, sa thải, kéo dài thời hạn nâng lương,… Tuy nhiên, các hình thức kỷ luật này cũng cần phải được nêu rõ trong bản hợp đồng lao động và được ký xác nhận từ người lao động.

4. Những trường hợp được đi muộn, về sớm vẫn nhận đủ lương

4.1. Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Điều này dựa trên khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, quy định cụ thể:

“Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.

Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Như vậy, theo quy định trên của pháp luật thì lao động nữ có con dưới 01 tuổi có thể đi muộn, hoặc về sớm. Tổng thời gian quy định là 60 phút so với những người lao động khác. Thời gian này giúp lao động nữ có thêm thời gian nghỉ ngơi, cho con bú, vắt sữa… Đây được coi là sự quan tâm mà pháp luật dành cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

4.2. Lao động nữ trong thời gian hành kinh

Cũng căn cứ theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”

Theo đó, lao động nữ sẽ được đi muộn hoặc về sớm 30 phút so với giờ làm việc thông thường. Quyền lợi này sẽ được áp dụng trong suốt thời gian hành kinh trong tháng. Những quy định này thể hiện sự ưu tiên dành cho phái nữ trong những ngày này. Hơn nữa, để đảm bảo sức khỏe ổn định, hiệu quả công việc được duy trì. Tuy nhiên, vì tâm lý e ngại nên nhiều chị em phụ nữ sẵn sàng bỏ qua quyền lợi này của mình.

4.3. Trường hợp khác theo thỏa thuận với người sử dụng lao động

Bên cạnh những quy định cụ thể của luật còn nhiều trường hợp khác. Theo đó người lao động được đi muộn, về sớm mà vẫn hưởng nguyên lương. Ví dụ như trường hợp bị ốm, có việc riêng đột xuất, hoặc trường hợp khác,… Với những trường hợp này, nếu người lao động xin phép người sử dụng lao động được đi muộn, hoặc về sớm mà vẫn được hưởng nguyên lương của ngày làm việc đó.

Kết luận

Thông thường, những trường hợp này đều được đề cập trong thỏa ước lao động. Ngoài ra có thể được đề cập trong nội quy lao động của doanh nghiệp. Những quy định này nhằm đảm bảo giải quyết đúng đắn các trường hợp. Hơn nữa, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động.

Trên đây là 3 trường hợp mà người lao động đi muộn, về sớm, lao động không đủ thời gian mà vẫn hưởng nguyên lương. Người lao động và người sử dụng lao động cần nắm chắc các quy định này để đảm bảo thực hiện đúng và bảo vệ quyền lợi. Nếu như còn bất kì vướng mắc nào, các bạn hãy liên hệ với Luật Vitam chúng tôi để được giải đáp. Hẹn gặp các bạn trong các chuyên mục tiếp theo của chúng tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *